Lịch sử, Văn hóa và Luật pháp Gian_dâm

Việt Nam

Trong luật pháp Việt Nam thời phong kiến người ta cũng đề ra các hình phạt cho tội gian dâm.

Tháng 9 nhuận năm 1042 vua Lý Thái Tông xuống chiếu ban lệnh: kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết, ngay lúc bấy giờ thì không bị tội.

Trong Luật Hồng Đức có hình phạt cho tội thất xuất, trong đó có tội dâm đãng. Theo khoản cuối điều 401 bộ luật này thì nếu người vợ là "gian phụ thì bị xử tội lưu, điền sản trả lại cho chồng, nếu là vợ chưa cưới thì giảm một bậc". Còn theo khoản đầu của điều 401 thì nếu người đàn ông "gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết, với vợ lẽ của người khác thì giảm một bậc". Điều 405 cũng quy định nếu đàn ông thông gian (có ngoại tình đi lại với nhau nhưng không bắt được đang có hành vi gian dâm) với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng, biếm 2 tư và bắt nộp tiền ta.

Hoặc theo điều 332 của Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long) thì nếu người vợ mắc tội thông gian thì người chồng có quyền gả bán vợ cho người khác (nhưng không phải là cho gian phu). Điều 254 cũng quy định nếu người chồng thông gian, cưỡng gian đều xử nặng tội.

Hiện nay, người ta không định nghĩa tội danh gian dâm hay thông dâm mà chỉ định nghĩa tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Theo quy định tại điều 147 Luật Hình sự Việt Nam 1999 thì:

  1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng tới một năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng tới ba năm.